Đẩy mạnh liên kết, nâng chất nguồn nhân lực
Đẩy mạnh liên kết, nâng chất nguồn nhân lực
Mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu
Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TBXH) Mao Quốc Trung cho biết, Đồng Nai hiện có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 25 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 20 doanh nghiệp đăng ký hoạt động dạy nghề. Mỗi năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển khoảng 11.000 lao động qua đào tạo. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo mới chỉ đáp ứng khoảng 3.600 người (trên 30%).
Cũng theo ông Trung, việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện gặp nhiều khá khó nhưng tỷ lệ bỏ học lại khá cao với khoảng 40% bậc cao đẳng nghề và 60% bậc trung cấp. Hơn nữa, trên thực tế lao động sau đào tạo được doanh nghiệp tuyển dụng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc mà phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo mới chỉ mang tính chất “mối quan hệ riêng” của mỗi trường với doanh nghiệp. Quá trình liên kết ở nhiều cơ sở đào tạo với doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả và mới dừng ở mức doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập. Còn lại các hoạt động chiều sâu như góp ý xây dựng chương trình đào tạo, dự báo sử dụng nguồn lao động hay tham gia đào tạo và đánh giá kết quả sau đào tạo chưa phổ biến…
Hợp tác đào tạo nghề xanh tại Trường VCMI
Đại diện Tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề Việt Nam theo tiêu chuẩn Đức (GIZ) – một tổ chức đang hỗ trợ dạy nghề thành công tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và VCMI, ông Bạch Hưng Trường nhận định, các trường đã có nhiều năm phối hợp với doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế uy tín, nhất là tổ chức GIZ để cải thiện chất lượng đào tạo. Trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp sẽ tham gia với nhà trường ngay từ khâu đầu vào. GIZ đã hỗ trợ biên soạn nhiều bộ tài liệu, giáo trình đào tạo theo tiêu chuẩn Đức và hiện đang tiếp tục biên soạn tài liệu về bảo vệ môi trường, đào tạo nghề xanh…
Đẩy mạnh liên kết
Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh, nếu các doanh nghiệp chỉ biết “đòi hỏi” nhân lực chất lượng cao, có tác phong công nghiệp tốt và nắm vững quy trình an toàn vệ sinh lao động từ các cơ sở đào tạo mà không tham gia, liên kết với cơ sở đào tạo sẽ rất khó khăn. Vì nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng tại doanh nghiệp hiện rất lớn nên ngoài sự năng động của các trường, cơ sở dạy nghề, chính doanh nghiệp phải mở rộng giao lưu, liên kết, tích cực tham gia quá trình đào tạo.
Thực tế kinh nghiệm từ sự phối hợp, liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp tại một số cơ sở đào tạo thời gian qua chính là sự đẩy mạnh liên kết giữa hai bên. Doanh nghiệp có thể tham gia ngay từ đầu quá trình đào tạo hoặc doanh nghiệp cũng có thể đầu tư trang, thiết bị, máy móc và tham gia đánh giá chương trình, kết quả đào tạo. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai Huỳnh Lê Tấn Dũng chia sẻ, ý thức rõ tầm quan trọng của liên kết nhà trường và doanh nghiệp, nhiều năm qua Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai đã chủ động tổ chức các sàn việc làm hoặc hội chợ việc làm, giới thiệu kết quả đào tạo sau khi sinh viên tốt nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với học viên. Nhà trường cũng đã tổ chức ký kết chương trình đào tạo với một số doanh nghiệp của Đức, Pháp, Nhật Bản…
Từ một số chương trình phối hợp với các tổ chức dạy nghề Thụy Điển (NHO), VCCI, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai đã có sự liên kết với nhiều doanh nghiệp vùng Kansai (Nhật Bản) trong hỗ trợ, tạo điều kiện về dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo về nhiều mặt. Còn tại Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi, được sự hỗ trợ của tổ chức GIZ, các chuyên gia Đức đang hỗ trợ nhà trường xây dựng các tòa nhà, mua sắm thiết bị đào tạo. Đồng thời hỗ trợ xây dựng 2 chương trình mới về tiết kiệm năng lượng và môi trường; xây dựng modul xanh và sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay. Modul này sẽ tích hợp tất cả phương thức đào tạo mới theo tiêu chuẩn đào tạo nghề xanh của Đức.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho biết, thời gian tới, để tập trung đẩy mạnh hiệu quả công tác đào tạo nghề, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư trang thiết bị, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; lắng nghe và điều chỉnh các chính sách ưu tiên, liên kết với các doanh nghiệp hợp tác với tỉnh cùng đào tạo nguồn nhân lực để hoạt động dạy nghề có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường và thực tế sản xuất.
Theo Nguyệt Anh – Báo Lao động Đồng nai