Tạp Chí Dạy Và Học Ngày Nay Điện Tử Viết Về Trường

Tạp Chí Dạy Và Học Ngày Nay Điện Tử Viết Về Trường

(DVHNN)- Trong những năm qua, trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi (đóng tại ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã đẩy mạnh ứng dụng các mô hình thiết bị dạy nghề do giảng viên của Trường tự làm (Mô hình thiết bị dạy nghề tự làm) vào hoạt động dạy – học, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu xanh hóa trong đào tạo nghề.

Nâng cao chất lượng dạy – học

Trong quá trình giảng dạy, việc ứng dụng các mô hình thiết bị dạy nghề tự làm cho các mô đun/môn học cụ thể không những góp phần giảm nhẹ công việc của giảng viên, giúp giảng viên phát huy hết năng lực sáng tạo của mình, mà còn làm cho hoạt động nhận thức của sinh viên trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn, tạo ra cho sinh viên những tình cảm tốt đẹp với mô đun/môn học. Do đặc điểm của quá trình nhận thức, mức độ tiếp thu kiến thức mới của sinh viên tăng dần theo các cấp độ của tri giác: nghe – thấy – làm được (những gì nghe được không bằng những gì nhìn thấy và những gì nhìn thấy thì không bằng những gì tự tay làm), cho nên khi đưa các mô hình thiết bị tự làm vào quá trình dạy học, giảng viên có điều kiện để nâng cao tính tích cực, độc lập của sinh viên và từ đó nâng cao hiệu quả của quá trình tiếp thu, lĩnh hội kiến thức và hình thành kỹ năng, kỹ xảo của họ.

Mô hình máy tiện cầm tay của thầy Trần Đại Nghĩa và khoa Cơ khí

Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên K33 – lớp Cao đẳng nghề Điện công nghiệp nói:  Khi được học tập trên các mô hình thiết bị do các thầy cô tự sáng tạo ra, chúng em dễ hiểu bài, hiểu bài sâu sắc hơn và nhớ bài lâu hơn. Bởi khi thầy giáo giảng, chúng em không những được nghe, mà còn được nhìn thấy trực tiếp, thao tác trực tiếp. Nhờ đó mà em có hứng thú hơn trong học tập. Trần Ngọc Trường – sinh viên năm thứ 3 lớp Cao đẳng nghề Công nghệ ô tô cũng chia sẻ: “Trong quá trình học, chúng em được thao tác trước trên các mô hình do các thầy, cô tự sáng tạo. Những Vì vậy mà nhớ được lâu, và khi thực hiện trên thiết bị thật thì linh hoạt hơn nhiều, không còn bị lúng túng nữa.

Thầy Phạm Minh Phong – giảng viên khoa Điện – Điện tử dẫn chứng: “Việc ứng dụng các mô hình thiết bị tự làm vào dạy học tạo điều kiện thuận lợi cho cả giảng viên và sinh viên, giúp đơn giản hóa những thiết bị quá phức tạp. Chẳng hạn, ở khoa chúng tôi, mô hình thực hành trang bị điện – PLC được ứng dụng vào giảng dạy các mô đun mô đun trang bị điện 1, trang bị điện 2, mô đun PLC cơ bản, PLC nâng cao và mô đun khí cụ điện. Nhờ việc đưa mô hình tự làm vào giảng dạy mà sinh viên tiếp thu kiến thức nhanh hơn, và giảng viên cũng nhàn hơn trong quá trình truyền tải kiến thức”.

Cùng quan điểm với thầy Phong, Thầy Đỗ Cao Nguyên, Phó trưởng khoa Công nghệ ô tô cũng cho biết: “Trước khi đưa thiết bị tự làm vào giảng dạy chính thức, chúng tôi đã thực nghiệm trên hai nhóm sinh viên. Kết quả cho thấy, nhóm sinh viên được học trên mô hình tự làm của chúng tôi tiếp thu kiến thức nhanh hơn, có hứng thú hơn trong học tập và thao tác nhuần nhuyễn hơn khi thực hành trên thiết bị thật”.

Như vậy, ứng dụng thiết bị dạy nghề tự làm đã góp phần làm sinh động nội dung học tập, nâng cao hứng thú học tập, lòng tin của học sinh đối với nghề mà mình đã lựa chọn. Đây là những giá trị rất lớn, có tác dụng mạnh mẽ trong việc truyền cảm hứng cho người học.

Góp phần thực hiện mục tiêu xanh hóa trong đào tạo nghề

Hầu hết các mô hình thiết bị dạy nghề tự làm của giảng viên trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi có chi phí thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường vì tận dụng được những vật liệu có sẵn, mua các sản phẩm “secondhand” về tân trang, cải tiến lại, hoặc sáng tạo ra những sản phẩm chưa từng có trên thị trường. Mô hình máy tiện cầm tay của thầy Trần Đại Nghĩa và khoa Cơ khí là một ví dụ. Để tạo ra chiếc máy tiện cầm tay, thầy Nghĩa tìm mua mô – tơ mini cũ (loại 24V) trên thị trường, cục sạc pin đã qua sử dụng của laptop, bu lông, ốc vít, và một số chi tiết máy khác có sẵn trong Trường, tổng chi phí chỉ khoảng 1 triệu đồng. Trong khi đó, có thể sử dụng mô hình này cho việc giảng dạy các mô đun: Tiện trục trơn ngắn, tiện bậc; Tiện rãnh và cắt đứt, Tiện lỗ, Tiện côn.

Một giờ học với ” Mô hình thiết bị dạy nghề tự làm” của khoa Công nghệ ô tô

Thầy Trần Quốc Bảo, thành viên nhóm tác giả của 2 mô hình “Hệ thống phun xăng điện tử (động cơ 1ZZ-FE), và “mô hình hệ thống phanh ABS” ví von: “Chúng tôi tham khảo các thiết bị đã có trên thị trường, mua động cơ đã qua sử dụng, nhưng vẫn còn dùng được, coi đó như “viên ngọc thô”, qua bàn tay của các giảng viên trong khoa mà trở thành viên ngọc lung linh như vậy. Tính ra, chi phí chỉ bằng 2/3 so với các sản phẩm tương đương trên thị trường”.

TS. Nguyễn Văn Chương, hiệu trưởng Nhà trường cũng chia sẻ: “Việc các giảng viên các khoa ứng dụng các thiết bị dạy nghề tự làm vào hoạt động dạy – học không những tiết kiệm về mặt chi phí mua sắm thiết bị cho Nhà trường, mà quan trọng hơn, việc ứng dụng các mô hình tự làm từ vật liệu đã qua sử dụng cũng chính là việc sử dụng lại các sản phẩm, hay một phần của sản phẩm đó cho chính mục đích cũ, hay cho một mục đích khác, sử dụng nhiều lần cho đến hết tuổi thọ sản phẩm đã góp phần giảm thiểu rác thải nguy hại tác động xấu đến môi trường”.

Việc ứng dụng các thiết bị dạy nghề tự làm ở trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi cũng góp phần giáo dục cho học sinh, sinh viên ý thức tiết kiệm, làm quen và hình thành với kỹ năng sống xanh, tức là kỹ năng sống và làm việc luôn đề cao các giá trị bảo vệ môi trường nhằm tạo ra môi trường xanh, công nghệ xanh.

Hiện nay, một trong những khuyến nghị của Chương trình hợp tác Việt – Đức Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET) là xanh hóa đào tạo nghề hướng tới hội nhập khu vực ASEAN. Chương trình này cũng đang triển khai các hoạt động chuẩn bị nhằm hỗ trợ trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy Lợi phát triển thành Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề Xanh. Với quy mô đào tạo trên 2000 sinh viên, việc ứng dụng các thiết bị dạy nghề tự làm vào giảng dạy của Trường đã, đang và sẽ tiếp tực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp và thực hiện tiến trình xanh hóa trong đào tạo.

 

Ngô Thị Huyền – Giảng viên trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi

Thông Báo Mới Nhất

Hòa chung không khí tưng bừng cả nước thi đua lập thành tích chào mừng lễ kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), sáng ngày 16/11/2024, được sự cho phép của Đảng ủy, Ban giám hiệu, BCH Đoàn Học viện doanh nhân Tinh Hoa tổ chức Chung kết

Video Clip Hoạt Động