Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp trường năm 2019 –  xuất hiện nhiều thiết bị thông minh đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong kỷ nguyên 4.0

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp trường năm 2019 –  xuất hiện nhiều thiết bị thông minh đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong kỷ nguyên 4.0

Trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0, việc sử dụng và vận hành các thiết bị thông minh càng trở nên phổ biến. Để tạo ra nguồn nhân lực kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng này, các cơ sở đào tạo nói chung và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng phải không ngừng cập nhật, điều chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo, đề cao hoạt động nghiên cứu và chủ động ứng dụng những kết quả nghiên cứu trong giảng dạy. Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tại trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi là một trong những hoạt động cụ thể trong nghiên cứu khoa học của Trường, được tiến hành hàng năm, góp phần tạo ra những thiết bị có tính ứng dụng cao trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Trường, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ.

Chất lượng Hội thi thiết bị đào tạo tự làm ngày càng được nâng cao

Thiết bị đào tạo là yếu tố cực kỳ quan trọng, góp phần quyết định chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung cũng như Học viện doanh nhân Tinh Hoa nói riêng. Bên cạnh các thiết bị đào tạo được mua sắm bằng ngân sách của nhà nước, Học viện doanh nhân Tinh Hoa còn chủ động bổ sung các thiết bị đào tạo thông qua Hội thi thiết bị đào tạo tự làm hàng năm.

TS. Nguyễn Văn Chương – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chỉ đạo Hội thi

Sau ba lần tổ chức, Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm đã trở thành hoạt một trong các hoạt động cơ bản trong nghiên cứu khoa học của Trường. Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp Trường được tổ chức theo định kỳ ba năm một lần, với chất lượng ngày càng cao: số lượng mô hình thiết bị tham gia Hội thi ngày càng nhiều, mang tính ứng dụng cao, một mô hình thiết bị có thể sử dụng cho giảng dạy nhiều mô đun của một nghề; khâu tổ chức cũng không ngừng được đổi mới và hoàn thiện; thu hút sự tham gia của các khoa đào tạo trong Trường.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp trường lần thứ III năm 2019 thu hút 7 mô hình thiết bị của các đơn vị gồm: Mô hình dàn trải, mô phỏng lắp ráp máy tính của khoa CNTT; Mô hình máy phay CNC thu nhỏ của khoa Cơ khí; Mô hình lắp đặt thiết bị điện thông minh của khoa Điện – Điện tử; Mô hình Hệ thống phun xăng điện tử (Động cơ 1NZ-PE) của khoa Đào tạo lái xe; các mô hình Thiết kế trò chơi, Mô hình hình học không gian, Mô hình máy phát điện 1 pha của các giáo viên khoa Khoa học cơ bản.

Thiết bị tự làm có tính ứng dụng cao trong môi trường GD 4.0

Cũng như những lần tổ chức trước đây, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp Trường năm 2019 nhằm mục đích phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh trong việc tự làm các thiết bị đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng trong lĩnh vực dạy nghề. Hội thi cũng là dịp để các giảng viên trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa về kinh nghiệm sáng chế, cải tiến thiết bị đào tạo … góp phần phát huy nguồn nội lực của Nhà trường, tạo ra nhiều thiết bị đào tạo có chất lượng cao, phù hợp với chương trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Điểm nổi bật của Hội thi năm nay là có nhiều mô hình tham gia dự thi, ngoài nội dung xanh hóa[1] còn chú trọng hướng vào việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, góp phần xây dựng hệ sinh thái học tập thông minh, giúp người học rèn luyện kỹ năng sử dụng, vận hành các thiết bị ứng dụng công nghệ của cách mạng 4.0 trong các doanh nghiệp. Trong các mô hình dự thi cấp trường năm nay, Mô hình dàn trải, mô phỏng lắp ráp máy tính của khoa CNTT, Mô hình máy phay CNC thu nhỏ của khoa Cơ khí, Mô hình lắp đặt thiết bị điện thông minh của khoa Điện – Điện tử được đánh giá cao.

Đối với Mô hình dàn trải, mô phỏng lắp ráp máy tính, xuất phát từ những khó khăn trong tiếp cận các môn học liên quan đến thiết bị phần cứng máy tính như: chưa nắm bắt một cách rõ ràng về công dụng, chức năng, cấu tạo của từng thiết bị, qui trình lắp ráp – cài đặt máy tính và đặc biệt các mô hình và mô phỏng hiện tại chưa rèn luyện cho người sử dụng kỹ năng lựa chọn thiết bị và kiểm tra được sự tương thích giữa các thiết bị. Nhóm tác giả khoa CNTT đã xây dựng Mô hình dàn trải, mô phỏng lắp ráp máy tính. Đây là mô hình dàn trải tất cả các thành phần của máy tính kết hợp với phần mềm cho phép người dùng lựa chọn thiết bị tương thích theo nhu cầu sử dụng. Điều này giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tìm hiểu về tính năng, công dụng, cấu tạo của các thiết bị phần cứng trên mô hình dàn trải máy tính; có thể tự học, tự kiểm tra kiến thức, tự lắp ráp trên phần mềm mô phỏng; lựa chọn được thiết bị tương thích để lắp ráp một bộ máy vi tính; lắp ráp và cài đặt được bộ máy vi tính hoàn chỉnh; ngoài ra còn giúp học sinh, sinh viên học tập tại nhà một cách dễ dàng thông qua các phần mềm. Điểm nổi bật nhất của Mô hình dàn trải, mô phỏng lắp ráp máy tính so với các mô hình, mô phỏng trên thị trường là rèn luyện cho người sử dụng kỹ năng lựa chọn thiết bị và kiểm tra được tính tương thích giữa các thiết bị, thông qua phần mềm mô phỏng giúp người học dễ dàng tiếp thu nhất.

Phần thuyết minh Mô hình dàn trải, mô phỏng lắp ráp máy tính của nhóm tác giả khoa CNTT

Ở nghề Cắt gọt kim loại, Mô hình máy phay CNC thu nhỏ của nhóm tác giả khoa Cơ khí cũng được Ban giám khảo Hội thi đánh giá cao. Thầy Trần Đại Nghĩa, thành viên nhóm tác giả, cho biết” “thiết bị dự thi của Nhóm lần này là sự kết hợp xu hướng tích hợp các thiết bị điện, cơ điện tử, cơ khí để tạo ra mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên mô hình, đây là xu thế phát triển thiết bị đào tạo nghề hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới. Xu hướng này đã làm tăng hiệu quả sử dụng của thiết bị, thông qua việc có thể áp dụng cho nhiều bài giảng khác nhau, nhiều mô đun khác nhau, nhiều nghề trên một mô hình. Mô hình là cơ hội để các tác giả, giảng viên của Khoa hiện thực hóa ý tưởng, ứng dụng sáng kiến vào thực tế quá trình giảng dạy và nghiên cứu”.

Mô hình máy phay CNC thu nhỏ của nhóm tác giả khoa Cơ khí

Trong bối cảnh cách mạng 4.0, việc sử dụng các thiết bị điện thông minh đang là xu thế phổ biến trong các công ty, xí nghiệp cũng như phục vụ cuộc sống ngày càng tiện ích và đầy đủ của con người, nhằm mục đích nâng cao năng suất và sử dụng các nguồn năng lượng tiết kiệm hiệu quả đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Việc trang bị kiến thức về cách mạng 4.0 cho người học nghề là việc hết sức cần thiết. Để giảm bớt tính trừu tượng, phức tạp trong các bài giảng lý thuyết hoặc một bài thực hành đòi hỏi tư duy cao, các giảng viên của Khoa Điện – Điện tử đã thiết kế Mô hình lắp đặt thiết bị điện, mô phỏng các thiết bị thật, giúp người học dễ tiếp thu và thực hành. So với các thiết bị đào tạo được bán trên thị trường, Mô hình lắp đặt thiết bị điện của khoa Điện – Điện tử có nhiều ưu điểm hơn, chẳng hạn như: phù hợp với yêu cầu và xu thế sử dụng công nghệ trong các doanh nghiệp và đời sống xã hội, giúp sinh viên dễ tiếp thu bài học hơn, phù hợp với điều kiện giảng dạy tại trường, giá thành rẻ hơn…

Phần dự thi của nhóm tác giả khoa Điện – Điện tử, Mô hình lắp đặt thiết bị điện

TS. Nguyễn Văn Chương – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Hội thi thiết bị đào tạo tự làm của Trường không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo của cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh mà còn là một “sân chơi” bổ ích, mang tính sáng tạo, và là dịp để các giảng viên trong Trường học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, phục vụ cho sự nghiệp phát triển chung của nhà trường.

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao một giải Nhất cho thiết bị “Mô hình dàn trải, mô phỏng lắp ráp máy tính” của khoa CNTT; một giải Nhì cho thiết bị “Mô hình máy phay CNC thu nhỏ” của khoa Cơ khí; hai giải Ba cho Mô hình lắp đặt thiết bị điện thông minh của khoa Điện – Điện tử và Mô hình Hệ thống phun xăng điện tử (Động cơ 1NZ-PE) của khoa Cơ giới; Các mô hình “Thiết kế trò chơi”, “Mô hình hình học không gian”, “Mô hình máy phát điện 1 pha” của các giáo viên khoa Khoa học cơ bản nhận giải Khuyến khích.

 Một số hình ảnh về Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp Trường năm 2019

Toàn cảnh Hội thi

Nhóm tác giả Mô hình máy phay CNC thu nhỏ” của khoa Cơ khí

Nhóm tác giả Mô hình Hệ thống phun xăng điện tử (Động cơ 1NZ-PE) của khoa Đào tạo lái xe

Nhóm tác giả và giảng viên khoa CNTT chụp hình lưu niệm bên Mô hình dự thi của Khoa

Nhóm tác giả Mô hình lắp đặt thiết bị điện, khoa Điện – Điện tử

Ban giám hiệu Nhà trường trao giải và chụp hình lưu niệm với các nhóm tác giả tham gia Hội thi

 

Bài và ảnh: Ngô Huyền

Thông Báo Mới Nhất

Hòa chung không khí tưng bừng cả nước thi đua lập thành tích chào mừng lễ kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), sáng ngày 16/11/2024, được sự cho phép của Đảng ủy, Ban giám hiệu, BCH Đoàn Học viện doanh nhân Tinh Hoa tổ chức Chung kết

Video Clip Hoạt Động